Tới dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp và CTXH Việt Nam; ông Trần Lê Đoài – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; các đồng chí nguyên là Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, các Sở LĐTBXH, các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành; các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, giảng viên, sinh viên nhà trường qua các thời kỳ.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
 
Chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển
 
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, NGƯT.TS. Trần Văn Khiêm, Hiệu trưởng Nhà trường đã ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, tiền thân là Trường Trung học Công nghiệp Nam Hà, được thành lập ngày 21/12/1966. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với các giai đoạn, mục tiêu, ngành nghề đào tạo, tên gọi khác nhau, Nhà trường đã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua thử thách để không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là cái nôi đào tạo giáo viên dạy nghề, đội ngũ kỹ sư, cử nhân các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho các đơn vị, doanh nghiệp vùng Nam đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài 
tặng hoa chúc mừng Nhà trường
 
Trong suốt 50 năm qua, đặc biệt là trong 10 năm được nâng cấp lên thành trường đại học, Nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Với chính sách đào tạo và bồi dưỡng tích cực, đến nay Nhà trường đã có tổng số 295 cán bộ, giảng viên, trong đó 93,5% giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 24 người đang làm nghiên cứu sinh (có 06 NCS ngoài nước).

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm
biểu dương những thành tích đáng tự hào của Nhà trường trong suốt 50 năm qua
và căn dặn Nhà trường cần
thực hiện tốt phư­ơng châm “Gắn đào tạo với sử dụng”
 
Bên cạnh đó, Trường đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất trên tổng diện tích 5,25ha, với diện tích sàn xây dựng 37.099m2, trong đó có 143 phòng học lý thuyết và thực hành (60 phòng học lý thuyết có nhiều giảng đường hiện đại và 83 phòng thí nghiệm/thực hành); Trung tâm Thông tin Thư viện đã có phòng đọc, phòng nghiệp vụ, phòng đọc truy cập internet; Nhà luyện tập Đa năng; Ký túc xá; Nhà ăn; Sân vận động..., phục vụ công tác đào tạo, quản lý đào tạo, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

NGƯT. TS Trần Văn Khiêm
ôn lại truyền thống vẻ vang trong suốt 50 năm của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định
 
Về ngành nghề đào tạo: Từ trước năm 2011, Nhà trường được cấp phép đào tạo 09 ngành trình độ đại học, 08 ngành trình độ cao đẳng và 12 nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Năm 2013, Trường được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Công nghệ Thông tin và từ năm 2015 tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí và trình độ cao đẳng ngành tiếng Anh. Để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường đang áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; công bố chuẩn đầu ra và thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục theo quy định.
 
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cũng tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, lấy người học làm trung tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý. Từ năm học 2010 – 2011, Trường đã áp dụng thành công phương thức đào tạo từ hệ thống niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, từng bước xây dựng và công bố chuẩn đầu ra. Nhà trường cũng luôn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên tham quan, kiến tập và thực tập trải nghiệm, đào tạo gắn liền với thực tế sản xuất, đồng thời rèn kỹ năng nghề, ý thức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp cho sinh viên. Tổ chức lấy ý kiến của người học về hoạt động giảng dạy của giáo viên, ý kiến nhận xét khóa học của sinh viên tốt nghiệp; ý kiến phản hồi của các đơn vị tiếp nhận, sử dụng sinh viên tốt nghiệp của trường để kịp thời rút kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Nhờ vậy, chất lượng giảng dạy và uy tín của nhà trường ngày càng được nâng cao rõ rệt, được sinh viên tin tưởng, yêu mến.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ
trao tặng Bằng khen cho tập thể Nhà trường
 
Bên cạnh công tác đào tạo, Nhà trường còn thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) với phương châm nghiên cứu theo nhu cầu xã hội và có khả năng ứng dụng cao, tạo sản phẩm KHCN góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học. Từ năm 2006 đến nay, cán bộ giảng viên trong trường đã thực hiện 21 đề tài KHCN cấp Bộ; 2 đề tài, dự án cấp tỉnh; 105 đề tài KHCN cấp Trường; biên soạn 311 giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo; 3 sáng kiến, cải tiến cấp trường; 10 sáng kiến, cải tiến, sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh; đăng 168 bài báo khoa học trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học (trong đó có 26 bài đăng ở tạp chí, báo cáo tại các hội thảo quốc tế).
 
Quan hệ quốc tế, hợp tác với nhiều tổ chức nước ngoài như: Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ); Hiệp hội thúc đẩy giáo dục và đào tạo ở nước ngoài của Vương quốc Bỉ (APEFE); Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc (NRF); “Chương trình học bổng tiếng Anh Fulbright tại Việt Nam” để liên kết đào tạo được đẩy mạnh. Trường còn là thành viên chính thức của “Diễn đàn hợp tác khu vực Châu Á về đào tạo giáo viên dạy nghề - RCP”. Thông qua hợp tác quốc tế, Nhà trường đã huy động được hàng trăm nghìn USD để đầu tư trang thiết bị dạy học. Cụ thể, năm 2011, Nhà trường đã đầu tư trang thiết bị đào tạo đồng bộ cho 2 ngành điện, điện tử và cơ khí với tổng số vốn đối ứng gần 38,5 tỷ đồng và vốn vay CHLB Đức gần 2,6 triệu euro.

Cá nhân ông Vũ Quang Trung, Trưởng Phòng Kế toán – Tài chính của Nhà trường
đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
 
Kết quả, trong suốt 50 năm qua, Nhà trư­ờng đã đào tạo và bồi dư­ỡng hàng vạn giáo viên dạy nghề, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân và nghiên cứu hàng trăm các công trình khoa học góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp trồng người, phục vụ có hiệu quả với vai trò quan trọng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và cả nư­ớc. Kết quả đó được minh chứng bởi những  nhận xét, đánh giá khách quan, tích cực của các cơ quan quản lý về giáo dục, đào tạo; của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Đó là lời khen, xác nhận rằng: Sinh viên của Nhà trường có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt, có khả năng đáp ứng và đảm nhiệm yêu cầu công việc chuyên môn. Nhiều cựu SV của Trường đã và đang đảm nhiệm những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức; của các cơ sở giáo dục - đào tạo, và các doanh nghiệp.
 
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011), 01 huân chương Lao động hạng Nhất, 01 huân chư­ơng Lao động hạng Nhì, 04 huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác; 04 nhà giáo đ­ược phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ­ưu tú"; 04 nhà giáo được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.Trong 3 năm trở lại đây, Chính phủ tặng Bằng khen cho tập thể Nhà trường và một cá nhân; Tỉnh ủy Nam Định tặng Cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm (2011 – 2015); UBND tỉnh Nam Định và Bộ LĐTBXH tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong nhiều năm.
 
Định hướng phát triển thời gian tới
 
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm đã biểu dương và chúc mừng những thành tích đáng tự hào mà trường đã đạt được trong suốt 50 năm qua. Nhà tr­ường đã có bước phát triển mạnh và toàn diện: Cơ sở vật chất không ngừng đ­ược tăng cường, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo của Nhà trường đ­ược đầu t­ư t­ương đối đồng bộ và hiện đại; đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý được bổ sung thêm về số lượng và nâng cao về trình độ; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế có những chuyển biến tích cực; đoàn kết nội bộ đ­ược giữ vững. Trường đã có nhiều đóng góp trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề và nhân lực kỹ thuật có chất l­ượng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là một trong những cái nôi đào tạo giáo viên dạy nghề của cả n­ước và là một cơ sở đào tạo lớn của Ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao Bằng khen của Bộ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ 
tặng hoa chúc mừng đại diện các tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc.
 
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất l­ượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị Nhà tr­ường phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, như: Quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao, tay nghề và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, có đạo đức tốt và có trách nhiệm cao với ng­ười học. Bên cạnh đó, Nhà trường cần th­ường xuyên cập nhật các thành tựu mới của khoa học, công nghệ và yêu cầu thực tiễn để đổi mới ch­ương trình đào tạo, đồng thời nghiên cứu áp dụng các ph­ương pháp dạy học tiên tiến vào giảng dạy. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề, phải quan tâm dạy cho SV các “kỹ năng mềm” như kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiêp, tin học, ngoại ngữ… Tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các doanh nghiệp trong việc đ­ưa SV đi thực tập, các thầy cô đi thực tế, thực hiện tốt phư­ơng châm gắn đào tạo với sử dụng. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo và dạy nghề. Tiếp tục đầu t­ư cơ sở vật chất, lựa chọn các ngành nghề trọng điểm để tập trung đầu t­ư đạt cấp độ khu vực và quốc tế. Nhà trường cũng cần phát huy hơn nữa tính công khai, dân chủ, minh bạch, song song với đề cao kỷ c­ương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm trong hoạt động của nhà tr­ường; có các biện pháp hiệu quả để khuyến khích các nhân tố tích cực; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập tung đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng ngừa, ngăn chặn các hiện t­ượng tiêu cực; chăm lo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức, lao động hợp đồng và SV. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng khẳng định: Bộ sẽ th­ường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp nhà tr­ường thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đ­ược giao và không ngừng phát triển.
 
Nhân dịp này, tập thể Nhà trường và cá nhân ông Vũ Quang Trung, Trưởng Phòng Kế toán – Tài chính đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tặng Bằng khen giai đoạn 2012-2016 cho 06 tập thể, 02 tổ chức chính trị và 23 cá nhân của Nhà trường. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Công đoàn Trường; Trung ương đoàn thanh niên tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Đoàn Thanh niên Trường.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng 50 năm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

 

                                                  ĐỨC TÙNG

                                                                        (Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội)