KỸ THUẬT ĐO LƯỜNG TỰ ĐỘNG ĐIỀU KHIỂN

 

Tác giả: Phạm Văn Tuân

Năm XB: 2008

NXB: Bách khoa Hà Nội

Đo lường tự động điều khiển là cuốn sách mang tính ứng dụng thực tiễn cao nhằm giúp cho sinh viên và các độc giả quan tâm có đủ kiến thức để hiểu rõ về các hệ thống thiết bị đo lường tự động điều khiển trên thực tế để từ đó có khả năng tự thiết kế chế tạo cho mình những hệ thống thiết bị đo lường tự động điều khiển.

Nói về sự phát triển của kỹ thuật Đo lường điện tử nói chung và kỹ thuật đo lường tự động điều khiển nói riêng, trước hết phải nói về những thay đổi cơ bản của các thiết bị đo có sử dụng các bộ vi xử lý (Microprocessors). Vi xử lý đã trở thành bộ phận chủ yếu cấu thành của các thiết bị đo. Việc áp dụng bộ vi xử lý vào các thiết bị điện tử nói chung cũng như các hệ thống thiết bị đo lường tự động điều khiển đã làm tăng tính năng, thông số của các thiết bị lên rất nhiều; đã mở ra cách giải quyết các vấn đề mà trước kia chưa được đặt ra. Có bộ vi xử lý làm cho thiết bị đo đa chức năng, đơn giản hóa việc điều khiển, tự động điều chỉnh, tự động lấy chuẩn, tự động kiểm tra, làm tăng thêm độ tin cậy của các thông số phép đo, thực hiện tính toán, xử lý thống kê kết quả và đưa ra các thao tác điều khiển ngày càng phức tạp và chính xác; tức đã tạo được thiết bị đo lường tự động điều khiển theo chương trình cài đặt sẵn SPC - Stored Programme Control.

Đo lường tự động điều khiển có thể coi là một ngành kỹ thuật có phạm vi rất rộng, được ứng dụng rất rộng rãi trong cuộc sống từ những thiết bị vật dụng phục vụ cuộc sống trong gia đình cho đến những hệ thống thiết bị sản xuất trong công nghiệp với trình độ kỹ thuật tinh vi với quy mô lớn. Nhưng để có thể hiểu nguyên lý hoạt động và từ đó có thể thiết kế chế tạo các thiết bị đo lường tự động điều khiển cần có một kiến thức rất vững chắc liên quan đến nhiều lĩnh vực trong kỹ thuật điện tử. Cuốn sách được chia làm 13 chương:

Chương 1: Giới thiệu tổng quan về hệ thống đo lường tự động điều khiển

Chương 2: Cảm biến và các thông số cảm biến

Chương 3: Chuẩn hóa tín hiệu

Chương 4: Các bộ biến đổi A-D và D-A

Chương 5: Vi xử lý và các hệ vi xử lý

Chương 6: Vi điều khiển và các hệ phát triển của vi điều khiển

Chương 7: PC và ứng dụng của PC trong đo lường tự động điều khiển

Chương 8: Điều khiển logic khả trình PLC

Chương 9: Ghép nối PC, các vấn đề truyền thông tin trong hệ thống ghép nối

Chương 10: Mạch điều khiển

Chương 11: Cơ cấu chấp hành

Chương 12: Mạch nguồn cung cấp

Chương 13: Các thiết kế các sản phẩm đo lường tự động điều khiển

Giáo trình Đo lường tự động điều khiển được biên soạn nhằm phục vụ cho việc học tập của sinh viên đại học thuộc các ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông. Cuốn sách cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các ngành kỹ thuật khác có sử dụng kỹ thuật đo lường tự động điều khiển như một phương pháp để nghiên cứu khoa học, sử dụng khai thác kỹ thuật của ngành mình.

Xin trân trọng giới thiệu!

Phản hồi về bài viết “GIÁO TRÌNH KỸ THUẬT ĐO LƯỜNG TỰ ĐỘNG ĐIỀU KHIỂN”

Đã có 1 phản hồi về bài viết.

Gửi phản hồi

* Họ và tên:  
*Email:    
Số điện thoại:
* Nội dung:  
Mã bảo vệ: