Tác giả: Lê Ngọc Hồng

Năm XB: 2006

NXB: Khoa học và kỹ thuật

Sức bền vật liệu (SBVL) là một phần kiến thức căn bản đối với kỹ sư thuộc các ngành kỹ thuật, vì vậy môn học này được bố trí trong chương trình đào tạo của nhiều trường đại học như bách khoa, giao thông, thủy lợi, hàng hải, xây dựng, nông nghiệp... với các tỷ trọng khác nhau.

Giáo trình được biên soạn chủ yếu diễn giải những phần lý thuyết, phù hợp với chương trình môn học hiện hành trong các trường đại học. Các chương mục được bố trí nhằm tạo điều kiện để các đối tượng khác nhau tìm hiểu môn học với mức độ khác khau, dễ dàng tiếp thu phần cơ bản và sau đó có thể đi sâu tìm hiểu thêm những vấn đề riêng biệt cần thiết cho học tập chuyên môn. Giáo trình gồm 15 chương:

Chương 1: nêu những định nghĩa, khái niệm chính của môn học.

Chương 2: xây dựng các biểu đồ ứng lực trong thanh, là một trọng điểm của giáo trình.

Chương 3, 6, 7, 8: phân tích nội lực và biến dạng, điều kiện bền, điều kiện cứng của thanh chịu lực đơn giản và tổ hợp các ứng lực: kéo (nén), xoắn, cắt, uốn và chịu lực phức tạp. Các đặc trưng vật liệu được giới thiệu trong chương 3.

Chương 4: trình bày những khái niệm về trạng thái ứng suất nhằm mục đích thiết lập được các điều kiện bền trong trường hợp chịu lực tổng quát.

Chương 5: xét các đặc trưng hình học của hình phẳng, một phụ chương quan trọng trong tính toán SBVL.

Chương 9,10: đi sâu vào một vài vấn đề đặc biệt của lý thuyết uốn, xoắn các thanh thường gặp trong thiết kế công trình như vấn đề uốn xoắn thanh tiết diện mỏng, dầm trên nền đàn hồi.

Chương 11, 12: trình bày tương đối giản lược về phương pháp năng lượng để xác định chuyển vị, phương pháp lực để giải hệ thanh siêu tĩnh.

Chương 13: giới thiệu quan niệm về ổn định và bài toán ổn định theo nghĩa Euler đối với thanh chịu nén đúng tâm và thanh chịu uốn thuần túy.

Chương 14: xét tác dụng của tải trọng trên thanh gây lực quán tính đáng kể, gọi là tải trọng động. Bài toán dao động và va chạm được giới hạn trong phạm vi hệ một bậc tự do.

Chương 15: nghiên cứu kết cấu làm việc ngoài giới hạn đàn hồi theo mô hình đàn hồi - dẻo lý tưởng nhằm tìm tải trọng giới hạn tác động lên kết cấu.

Cuối mỗi chương đều có câu hỏi nhằm giúp người học hệ thống lại kiến thức và tự kiểm tra mức độ nắm vững lý thuyết của mình.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!