Tác giả: Tạ Duy Liêm

Năm XB: 2001

NXB: Khoa học và kỹ thuật

Ngày nay, đa số các máy công cụ hiện đại được điều khiển theo chương trình số. Đây là điều kiện kỹ thuật cơ bản để thực hiện những dự án tự động hóa linh hoạt trên từng máy công cụ điều khiển số riêng lẻ, hay ở các trung tâm gia công điều khiển số, cũng như việc ghép nối chúng thành một hệ thống tự động linh hoạt, điều khiển liên thông bằng các máy điện toán ghép mạng(CIM).

Tiến bộ mạnh mẽ của kỹ thuật vi điện tử đã tạo điều kiện nâng cao một cách đáng kể công năng của các hệ điều khiển số, đồng thời với việc giảm giá thành của các bộ điều khiển này. Những cụm vi xử lý với tư cách là bộ phận chính yếu của thiết bị, cùng những ngoại vi tương thích và bản thân các máy vi tính đều là những phần cứng không thể thiếu trong mỗi hệ điều khiển số CNC.

Trong hệ CNC, máy công cụ và hệ điều khiển số hợp thành một thiết bị gia công có khả năng điều khiển bằng lập trình trực tiếp. Như vậy, thay cho điều khiển các rowle tương ứng, thông qua các mạch logic ghép cứng, người ta dùng hệ điều khiển vi điện tử, có thể lập trình tự do, trong đó máy công cụ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thông qua một chương trình điều khiển lập trước. Việc lập trình trực tiếp trên máy nhờ đối thoại giữa người và hệ điều khiển số làm cho máy công cụ CNC trở nên hữu dụng và kinh tế ngay cả cho các xí nghiệp có quy mô nhỏ và trung bình.

Mặt khác, do tất cả thông tin cần thiết để máy công cụ CNC thực hiện từ một công đoạn công nghệ riêng lẻ nào đó, đến một quy trình công nghệ tổng thể, đều được đưa vào hệ điều khiển dưới dạng mã số, mà các thiết bị gia công CNC cho phép đặt chúng vào quá trình vận hành của cả xí nghiệp thông qua hệ quản lý dữ liệu tổng hợp. Đó là một lợi thế mạnh mẽ để nâng cao trình độ quản lý của các xí nghiệp công nghiệp hiện đại, nhờ ứng dụng của các mạng liên thông cục bộ LAN.

Nội dung sách gồm 5 phần và 11 chương:

Phần I: Nhập môn kỹ thuật điều khiển theo chương trình số CNC

Chương 1: Khái niệm cơ bản và định nghĩa

Chương 2: Chức năng và cấu tạo của các hệ điều khiển số

Chương 3: Điều khiển CNC

Phần II: Tạo hình trên máy công cụ CNC

Chương 4: Xử lý các dữ liệu chương trình tạo hình

Chương 5: Chuyển động chạy dao trong máy công cụ điều khiển số

Chương 6: Các phương pháp đo vị trí trên máy CNC

Phần III: Hệ thống dữ liệu và cấu trúc của chương trình làm việc trên máy công cụ CNC

Chương 7: Chương trình làm việc soạn thảo cho hệ điều khiển số

Chương 8: Hoạt động của một hệ điều khiển số

Phần IV: Kỹ thuật lập trình CNC

Chương 9: Các phương pháp lập trình cho hệ điều khiển số

Chương 10: Các ví dụ lập trình

Chương 11: Lập trình bằng máy

Phần V: Một số chuyên đề nâng cao và phụ lục

Ngoài đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên theo học ngành cơ khí của các trường đại học kỹ thuật và công nghệ, trong một mức độ nhất định, sách có thể phục vụ các kỹ sư, các cán bộ kỹ thuật và người làm nghiên cứu, trước đây chỉ làm việc với các máy công cụ thông thường, nay có nhu cầu và điều kiện tìm hiểu thêm về các máy công cụ điều khiển theo chương trình số.

Xin trân trọng giới thiệu!