Tác giả: Nguyễn Mạnh Quân

Năm XB: 2015

NXB: Kinh tế quốc dân

Cuốn sách được giữ nguyên kết cấu 6 chương của lần xuất bản đầu tiên với nội dung đã được bổ sung và hoàn thiện, cụ thể:

Chương 1: Đạo đức kinh doanh và vấn đề đạo đức trong kinh doanh: trình bày những khái niệm liên quan đến đạo đức kinh doanh, văn hóa công ty, trách nhiệm xã hội, thương hiệu và sự xuất hiện của các vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Mục đích của chương không chỉ nhằm giới thiệu những khái niệm về đạo đức kinh doanh, văn hóa công ty, trách nhiệm xã hội và một vài nét về lịch sử phát triển của môn khoa học này mà còn cố gắng gắn với thực tiễn thông qua việc giới thiệu cách tiếp cận với bản chất và nguồn gốc của các vấn đề đạo đức trong kinh doanh và về cách nhận diện các vấn đề đạo đức nảy sinh trong mối quan hệ kinh doanh.

Chương 2: Các triết lý đạo đức về kinh doanh và các nghĩa vụ về trách nhiệm xã hội: cố gắng giải thích nguồn gốc cơ bản của những mâu thuẫn thông qua việc giới thiệu về sáu triết lý đạo đức điển hình có ảnh hưởng chi phối đến hành vi con người trong kinh doanh và sự khác nhau trong cách tiếp cận khi thực thi những nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp về kinh tế, pháp lý, đạo đức, nhân văn.

Chương 3: Phương pháp và công cụ phân tích hành vi đạo đức trong kinh doanh: giới thiệu cách tiếp cận với quá trình ra quyết định về hành vi đạo đức; xác định nhân tố của quá trình ra quyết định về đạo đức và các công cụ phân tích hành vi đạo đức trong kinh doanh. Mục đích của chương là nhằm cung cấp những công cụ phân tích và hoạch định giải pháp cho các vấn đề đạo đức. Đây là một trong những chủ đề khó tiếp cận nhất và bất cập nhất của các tài liệu nghiên cứu trong lĩnh vực này. Vì vậy, chương này là một trong những chương có những đóng góp có giá trị nhất cả về lý luận và thực tiễn.

Chương 4: Một số tình huống về đạo đức kinh doanh điển hình: giới thiệu một số vấn đề đạo đức kinh doanh điển hình thông qua các tình huống nhằm giúp người đọc chiêm nghiệm về những vấn đề thực tiễn, các quan điểm thịnh hành, cách tiếp cận bằng những công cụ và phương pháp phân tích đã được giới thiệu ở chương 3.

Chương 5: Văn hóa công ty: ngoài việc nhắc lại những khái niệm đã nêu ở chương 1 về văn hóa công ty, chương này tập trung trình bày các biểu trưng, các mô hình và các nhân tố ảnh hưởng của văn hóa công ty. Mục đích của chương là nhằm giúp người đọc hiểu được bản sắc văn hóa của một tổ chức là gì, các biểu hiện của chúng và những tác nhân cơ bản tạo dựng nên bản sắc văn hóa của một tổ chức.

Chương 6: Vận dụng trong quản lý - Tạo lập bản sắc văn hóa công ty: được cấu trúc và biên soạn lại nhằm làm rõ những nhân tố của quá trình tạo lập bản sắc riêng cho một doanh nghiệp, tổ chức. Mục đích của chương là nhằm giúp người đọc hiểu được cần phải làm gì để xây dựng bản sắc văn hóa cho một tổ chức, công ty. Mặc dù trình bày về lý luận, nội dung và kết cấu của chương vẫn rất chú trọng đến ý nghĩa thực tiễn đối với nhà quản lý. Các phần được trình bày theo trật tự về vai trò của các nhân tố trong việc tạo lập bản sắc văn hóa cho một tổ chức, doanh nghiệp.

Xin trân trọng giới thiệu!