TỪ HỌC VÀ VẬT LIỆU TỪ

Tác giả: Thân Đức Hiền, Lưu Tuấn Tài
Năm XB: 2008
NXB: Bách khoa Hà Nội
Vật liệu từ chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được sử dụng trong các thiết bị, dụng cụ quanh ta như: máy ghi âm, ti vi, tủ lạnh, quạt máy, mô tô - xe máy, điện thoại, địa bàn, đồ chơi trẻ em, các bộ phận nhớ trong máy tính điện tử,... Ngoài ra từ học và vật liệu từ còn được sử dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực y tế để chuẩn đoán và điều trị bệnh. Vật liệu từ không thể thiếu được trong các ngành công nghiệp điện (tạo điện năng, chuyển tải điện, điều khiển tự động,...), công nghiệp thông tin liên lạc, công nghiệp chế tạo máy, ô tô, tàu thủy,...
Với góc độ khoa học thuần túy, hiện tượng từ hiện diện từ thế giới vi mô (nguyên tử, phân tử) đến thế giới vĩ mô (các thiên hà xa xôi). Ta cũng không nên quên: trái đất là một nam châm khổng lồ. Từ trường trái đất tác dụng lên mọi sinh vật, động vật và vật chất tồn tại trên nó. Cho đến nay, các nhà khoa học đã lý giải được nhiều hiện tượng từ trên cơ sở lý thuyết cơ học lượng tử, các giả thiết có tính hiện tượng luận và bán thực nghiệm; các nhà khoa học và công nghệ đã chế tạo được nhiều loại vật liệu từ kể cả vật liệu từ có kích thước nanomet với tính năng cao hơn, kích thước nhỏ gọn hơn so với các “thế hệ” vật liệu từ trước để đáp ứng đòi hỏi sự phát triển kỹ thuật, kinh tế cũng như đời sống con người.
Vì những lẽ trên, Từ và vật liệu từ là giáo trình được giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng và là đối tượng nghiên cứu của nhiều phòng thí nghiệm ở trong nước và trên thế giới. Tài liệu này bao gồm 3 phần và 14 chương:
Phần I: Các tính chất cơ bản của từ học
Chương 1: Lịch sử phát triển của từ học và vật liệu từ
Chương 2: Một số khái niệm về từ học và phân loại vật liệu từ
Chương 3: Momen từ của nguyên tử
Chương 4: Nghịch từ
Chương 5: Thuận từ
Chương 6: Sắt từ
Chương 7: Phản sắt từ và feri - từ
Phần II: Các hiện tượng từ
Chương 8: Dị hướng từ và từ giảo
Chương 9: Cấu trúc đomen
Chương 10: Quá trình từ hóa và từ trễ
Chương 11: Vật liệu từ trong từ trường xoay chiều
Phần III: Các vật liệu từ
Chương 12: Vật liệu từ mềm
Chương 13: Vật liệu ghi từ
Chương 14: Vật liệu từ cứng
Xin trân trọng giới thiệu!