Sự bùng nổ về công nghệ đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học. Cụ thể, công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet và thiết bị di động cho phép người học khắp nơi trên thế giới tiếp cận được nền giáo dục ở trình độ cao, chất lượng tốt với chi phí hợp lý. Sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đã giúp cá nhân hóa việc học tập. Công nghệ 3D và trí tuệ nhân tạo cho phép xây dựng các phòng thí nghiệm ảo giúp việc dạy - học hiệu quả và bài học trở nên hấp dẫn hơn. Các nguồn học liệu số được tạo ra ngày một nhiều và được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet. Các cổng thông tin điện tử và phần mềm quản lý giúp việc quản trị giáo dục chính xác và hiệu quả hơn. Các cơ sở dữ liệu dùng chung tầm cỡ quốc gia giúp kết nối, phối hợp trong hoạt động các cơ sở giáo dục đại học với nhau và giữa các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý nhà nước. Xa hơn nữa là sự hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ở nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS. Hoàng Minh Sơn: “Bên cạnh xu thế quốc tế hóa, thì chuyển đổi số, với mục đích mang lại giáo dục đào tạo ở trình độ cao, chất lượng tốt và với chi phí chấp nhận được cho người học; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khả năng tiếp cận với giáo dục đại học chất lượng cho người dân” đang diễn ra mạnh mẽ. TS. Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng “Chuyển đổi số tại các trường đại học và cao đẳng Việt Nam là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm góp phần trực tiếp vào việc đổi mới và hiện đại hóa giáo dục đại học, giúp chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, tiến lên cùng với cộng đồng thế giới văn minh.”

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với một trường đại học, ngày 11 tháng 3 năm 2022, tại Hội trường 602-A6, Phòng Đào tạo kết hợp với Khoa Công nghệ thông tin tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Tham gia buổi Tọa đàm, về phía Nhà trường có TS. Đặng Quyết Thắng - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng; TS.Trần Xuân Thảnh - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường; các đồng chí trưởng, phó các phòng, khoa, trung tâm; trưởng, phó bộ môn trực thuộc khoa; Ban Chấp hành Công đoàn trường, Ban Thường vụ Đoàn trường. Về phía các tập đoàn và doanh nghiệp, những đơn vị đã và đang cung cấp các giải pháp chuyển đổi số có ông Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc VNPT IT khu vực 1 đại diện cho tập đoàn VNPT; ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số đại diện cho công ty FPT Digital; ông Ông Trần Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty phần mềm Giáo dục EPR đại diện Công ty CP Công Nghệ và Dịch vụ EPR; ông Vũ Đức Thuận - Trưởng bộ phận tư vấn triển khai giải pháp eLearning đại diện Công ty TNHH giải pháp và dịch vụ đào tạo trực tuyến DES, và ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc kinh doanh đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Việt.

Ý kiến phát biểu khai mạc cũng như tổng kết tọa đàm của TS. Đặng Quyết Thắng và các tham luận của các giảng viên khoa Công nghệ thông tin (TS. Tô Đức Nhuận - Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin, ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, ThS. Nguyễn Văn Vũ - Phó trưởng Bộ môn Máy tính, ThS. Nguyễn Văn Trung - Phó trưởng bộ môn Công nghệ thông tin) một lần nữa khẳng định vai trò to lớn cũng như sự cấp thiết của chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng dạy - học, nghiên cứu khoa học, quản lý nói chung và quản lý đào tạo nói riêng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

Cũng tại buổi tọa đàm này, cùng với các ý kiến tham luận của các giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, các đại biểu đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đã nhận diện những tiềm năng, cơ hội, điều kiện thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi số trong Nhà trường.

Các ý kiến tham luận, phát biểu tại Tọa đàm sẽ góp phần giúp Nhà trường xây dựng được lộ trình chuyển đổi số phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Nhà trường, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chất lượng phục vụ người học và xã hội. Tại buổi tọa đàm này các tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu một số giải pháp chuyển đổi số mà họ đã và đang cung cấp cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước. Buổi tọa đàm đã thành công tốt đẹp sau 4h làm việc liên tục với quyết tâm chuyển đổi số một cách toàn diện, trước tiên là trong dạy - học và nghiên cứu khoa học để sớm xây dựng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định thành một Đại học số.

 

TS. Tô Đức Nhuận

Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin

Khoa Công nghệ thông tin

 

Phản hồi về bài viết “Tọa đàm Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”

Đã có 1 phản hồi về bài viết.

Gửi phản hồi

* Họ và tên:   
*Email:      
Số điện thoại:  
* Nội dung:  
Mã bảo vệ: