Tháng 7 năm 2015, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 2376/QĐ-BGDĐT giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí. Ngày 7/9/2018, Nhà trường đã tổ chức bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho học viên lớp thạc sĩ khóa 1. Nhân dịp này, Ban Biên tập website Nhà trường đã có cuộc trao đổi với NGƯT. TS. Trần Văn Khiêm -  Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường về nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ.

BBT: Thưa Hiệu trưởng, Nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện như thế nào để phục vụ tốt hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ?

Hiệu trưởng: Để phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, Nhà trường đã chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.

Cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, thực hành và nghiên cứu khoa học là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của sản phẩm đào tạo. Vì vậy, Nhà trường đã chủ động chuẩn bị thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại không những đảm bảo điều kiện giảng dạy trình độ thạc sĩ theo quy định mà các thiết bị của Nhà trường còn được sử dụng để hỗ trợ các nghiên cứu sinh là cán bộ giảng dạy của Nhà trường cũng như nghiên cứu sinh của các trường đại học uy tín khác về nghiên cứu, thực hành.

Về đội ngũ giảng dạy, Nhà trường cũng bố trí đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao là các giáo sư, tiến sĩ tâm huyết, nhiệt tình trong giảng dạy và hướng dẫn học viên nghiên cứu để đạt kết quả cao nhất.

BBT: Xin Hiệu trưởng đánh giá về kết quả nghiên cứu, học tập của các học viên lớp Thạc sĩ Kỹ thuật Cơ khí khóa 1, có như những gì mà Nhà trường mong muốn?

Hiệu trưởng: Gần 90% học viên lớp thạc sĩ khóa 1 là cán bộ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả học tập có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi cá nhân và đơn vị công tác. Do đó, các học viên có nhận thức và xác định mục tiêu rất rõ ràng, đúng đắn.

Nhà trường thật sự rất kỳ vọng và tin tưởng vào sản phẩm đầu tay của mình - các tân thạc sĩ khóa 1. Chất lượng đào tạo của Nhà trường sẽ được khẳng định và được xã hội công nhận thông qua chính hoạt động nghề nghiệp của các tân thạc sĩ.

Kết quả học tập chỉ là kết quả bước đầu mà các học viên đạt được. Còn kết quả có như mong muốn không thì cần phải có thời gian, thông qua sự trưởng thành cũng như sự đóng góp của các tân thạc sĩ trong tương lai.

BBT: Thưa Thầy, Nhà trường đã đặt ra những kế hoạch gì trong đào tạo trình độ thạc sĩ trong những năm tiếp theo?

Hiệu trưởng: Trong những năm tiếp theo, Nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ. Cụ thể các ngành, chuyên ngành thạc sĩ mới như: Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, Kế toán và hướng tới đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí.

Để làm được điều đó, Nhà trường đã và đang tiếp tục cử cán bộ, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ chuẩn, chất lượng…; đầu tư bổ sung các trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học…

Hi vọng, với sự nỗ lực của Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng cán bộ, giảng viên Nhà trường, chất lượng giáo dục của Trường ngày càng nâng cao, Nhà trường tiếp tục nhận được sự tin tưởng, yêu quý của sinh viên, học viên khắp cả nước.

BBT: Để chia sẻ với học viên và sinh viên của Nhà trường bằng một câu nói, Thầy sẽ chia sẻ điều gì?

Hiệu trưởng: Để chia sẻ với học viên, sinh viên, tôi muốn chia sẻ một câu nói mà tôi tâm đắc nhất: “Hãy chuyên cần học tập và quý trọng thời gian, lạc quan, tin tưởng và hướng tới tương lai”; Nhà trường sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các em có cơ hội học tập, nghiên cứu, tiếp cận với tri thức khoa học tiên tiến, hiện đại; rèn luyện kỹ năng đáp ứng với nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

BBT: Xin trân trọng cảm ơn Thầy./.

Hoàng Dung