Tác giả: Nguyễn Thương Ngô

NXB: Khoa học và kỹ thuật

Năm XB: 2009

Hiện nay, công nghệ tự động là một trong những hướng công nghệ phát triển mũi nhọn của đất nước. Những công trình công nghiệp lớn và trọng điểm hiện nay đều được tự động hóa ở mức độ tương đối cao và chủ yếu do nước ngoài đảm nhiệm. Để làm chủ được các công nghệ mới này, cán bộ kỹ thuật không những có khả năng sử dụng tốt mà phải có kiến thức cần thiết và chuyên tâm nghiên cứu, ứng dụng để có thể theo kịp nhịp điệu phát triển chung của thế giới.

Mạng Internet ngày càng được sử dụng rộng rãi cho việc phổ biến những kiến thức cho việc học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên không phải bất cứ ai, ở đâu cũng có thể sử dụng có hiệu quả, nhất là việc học tập, nghiên cứu những kiến thức cơ sở một cách có hệ thống.

Công cụ điều khiển tự động không ngừng đổi mới và hoàn thiện, nhưng nguyên lý cơ bản vẫn không thay đổi đáng kể. Quyển 1 “Hệ tuyến tính” gồm có 7 chương:

Chương 1: Sau khi bắt đầu bằng 3 ví dụ về ba thời kỳ phát triển của kỹ thuật tự động, nêu lên phân loại các hệ điều khiển khác nhau để có khái niệm bao quát về các hệ tự động nói chung.

Chương 2: Cơ sở toán học của lý thuyết điều khiển tự động. Sau khi nhắc lại phương trình vi phân và toán tử Laplace, nêu lên khái niệm về hàm truyền đạt, các đặc tính vào ra trong miền thời gian và miền tần số, cũng như đặc tính của những phần tử thường gặp.

Chương 3: Nêu lên các tiêu chuẩn thường dùng như Hurwitz, Routh, Nyquist để khảo sát ổn định các hệ điều khiển cũng như cách dùng công cụ máy tính theo chương trình Tutsim, Matlab để mô phỏng.

Chương 4: Đề cập đến phương pháp xác định cấu trúc và thông số của các đối tượng cũng như phương pháp quỹ đạo nghiệm số, chia miền ổn định là phương pháp hữu hiệu trong việc phân tích cũng như tổng hợp hệ thống.

Chương 5: Nêu lên khái niệm về chất lượng cũng như những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng một hệ thống điều khiển tự động.

Chương 6: Tổng hợp hệ điều khiển tự động. Ở đây nêu lên việc dùng các khâu hiệu chỉnh cũng như các bộ điều chỉnh khác nhau, điện tử, khí nén để nâng cao chất lượng các hệ điều khiển, có bổ sung thêm phần dùng máy tính để tổng hợp hệ thống tối ưu.

Chương 7: Phương pháp biến trạng thái đối với các hệ điều khiển tự động. Ở đây có nêu lên mối liên hệ giữa các phương pháp khảo sát hệ thống trong miền tần số và miền thời gian, cũng như phương pháp dùng máy tính để mô tả hệ thốn trong không gian trạng thái, khái niệm về điều khiển được và quan sát được, dùng máy tính để phân tích và tổng hợp hệ thống. Trong chương này cũng đề cập đến điều khiển tích phân, cách xây dựng bộ quan sát động...

Quyển sách này đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản gắn liền với những khái niệm thực tế, khá nhiều ví dụ chứng minh, dùng máy tính để minh họa, cũng như nhiều bài tập với đáp án đầy đủ. Sách dùng làm tài liệu học tập, tham khảo cho sinh viên, nghiên cứu sinh và cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực tự động và điều khiển.

Xin trân trọng giới thiệu!