Tác giả: Vũ Quang Hồi

NXB: Giáo dục

Năm XB: 2000

Trong mọi ngành sản xuất hiện nay, các công nghệ tiên tiến, các dây chuyền, thiết bị hiện đại đã và đang thâm nhập vào nước ta. Với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, chắc chắn nền kỹ nghệ tiên tiến của thế giới ngày càng thâm nhập nhanh, nhiều vào Việt Nam. Tác dụng của các công nghệ mới và của những dây chuyền, thiết bị hiện đại đã góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng đã đề ra.

Các máy hiện đại trong mọi lĩnh vực, đa phần hoạt động nhờ điện năng thông qua các thiết bị chuyển đổi điện năng thành cơ năng, nhiệt năng…Việc điều khiển các quá trình chuyển đổi này trong các máy với các mục đích khác nhau cũng ngày càng đa dạng và phức tạp.

Cuốn Trang bị điện - điện tử công nghiệp này nhằm đóng góp một phần vào việc giới thiệu và bồi dưỡng những kiến thức phổ cập nhất về các thiết bị điện và các phương pháp điều khiển, sử dụng chúng.

Cuốn sách gồm 9 chương:

Chương 1: Giới thiệu tổng quan về một hệ thống truyền động điện, các cách phân loại, phương trình chuyển động của hệ, cách tính qui đổi một số đại lượng trong hệ và các đặc tính cơ của hệ.

Chương 2: Trình bày những khái niệm và lý thuyết cơ bản, các đặc tính chủ yếu của các loại động cơ thông dụng trong công nghiệp: động cơ một chiều kích từ độc lập, song song và nối tiếp; động cơ xoay chiều ba pha không đồng bộ rotor ngắn mạch và rotor dây quấn; động cơ đồng bộ; động cơ xoay chiều ba pha có cổ góp. Trong chương này cũng trình bày các phương pháp điều chỉnh tốc độ động cơ và hãm điện động cơ.

Chương 3: Đề cập tới các chế độ làm việc của động cơ và các phương pháp tính chọn công suất động cơ dùng truyền động máy tương ứng với các chế độ làm việc của chúng.

Chương 4: Cung cấp những khái niệm và những kiến thức cơ bản nhất, những đặc điểm nổi bật nhất của các bộ biến đổi thường dùng trong công nghiệp: các bộ chỉnh lưu không điều khiển và có điều khiển, các bộ biến tần phụ thuộc và độc lập, các bộ điều chỉnh dòng điện xoay chiều, các bộ băm điện áp một chiều… cũng như ứng dụng của chúng trong các hệ thống điều khiển tự động truyền động điện.

Chương 5: Trình bày các hệ thống điều chỉnh tốc độ động cơ điện phổ biến nhất nhằm mở rộng dải điều chỉnh tốc độ.

Chương 6: Trình bày một cách khái quát nguyên lý làm việc, nguyên tắc kết cấu của các khí cụ điện hạ áp thường dùng trong các mạch động lực và mạch điều khiển bao gồm cả các khí cụ bảo vệ, có tiếp điểm cũng như không có tiếp điểm.

Chương 7: Nêu các yêu cầu cơ bản và các nguyên tắc khống chế tự động một hệ truyền động điện và cho một số sơ đồ điển hình về khống chế tự động truyền động điện cũng như một số sơ đồ ứng dụng thực tế trên máy.

Chương 8: Đề cập tới một số đặc điểm, một vài phương pháp điều khiển trong truyền động nhiều động cơ nối theo kiểu trục cơ và theo kiểu trục điện.

Chương 9: Đề cập các vấn đề chung về an toàn trong sử dụng điện và các biện pháp phòng chống điện giật.

Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có một kiến thức tổng quát về các thiết bị điện được dùng rộng rãi trong công nghiệp với các đặc điểm làm việc thực tế, các nguyên tắc điều khiển để từ đó có thể sử dụng, khai thác chúng một cách có hiệu quả. Xin trân trọng giới thiệu!