Tác giả: Nguyễn Khanh Văn                                                           

Nxb: Bách khoa Hà Nội

Năm xb: 2014

Với sự phát triển bùng nổ hiện nay của công nghệ thông tin và ứng dụng trong đời sống, đặc biệt là các hệ thống mạng truyền tin và các hệ thống thương mại điện tử, các vấn đề về an toàn và bảo mật trở nên có tầm quan trọng thời sự. Với nhiều hệ thống quan trọng, thực sự bài toán an toàn bảo mật được đặt lên hàng đầu với chi phí lên tới 60% chi phí tổng thể. Qua đây, chúng ta thấy một nhiệm vụ thường xuyên của các kỹ sư tin học là nắm vững và trau dồi các kiến thức về an toàn bảo mật thông tin nhằm hướng tới thiết kế và xây dựng các phần mềm tốt hơn, an toàn hơn.

Giáo trình Cơ sở an toàn thông tin được biên soạn cho đối tượng là sinh viên các năm cuối và học viên cao học của các trường đại học kỹ thuật. Cuốn sách sẽ cung cấp một cách tiếp cận tổng thể các khái niệm cơ bản về các vấn đề xung quanh bảo vệ các hệ thống tin học (HTTH), đồng thời giới thiệu những kiến thức về lĩnh vực an toàn và bảo mật máy tính ở mức độ tiệm cận chuyên sâu. Đặc biệt, cuốn giáo trình này tập trung trình bày kỹ lưỡng các kiến thức cơ bản của lý thuyết mật mã, một lĩnh vực khó đối với các học viên ngành Công nghệ thông tin, thông qua một tiếp cận mang tính truyền thống, nhưng vẫn có tính hiện đại thể hiện qua việc liên tục kết nối các bài toán thực tế hiện nay. Những vấn đề được chọn đều thuộc về cơ sở của lĩnh vực, những phần mang tính nâng cao thường được điểm qua hoặc đưa ra như những câu hỏi và bài tập mở rộng.

Các khái niệm cơ bản về lý thuyết mật mã - một nền tảng căn bản của an toàn thông tin sẽ được đề cập bao gồm: hệ mã hóa đối xứng, mã hóa phi đối xứng (khóa công khai), hàm băm, chữ ký điện tử, vấn đề trao chuyển khóa và giao thức mật mã. Bên cạnh đó, các nền tảng cơ sở khác của ATTT như xác thực, điều khiển quyền truy cập, các mô hình an toàn mạng, mã độc và tấn công lợi dụng cũng là chủ đề trọng tâm.              

Chương mở đầu, tổng quan về an toàn thông tin và giới thiệu giáo trình

Phần I. Cơ sở lý thuyết mật mã và ứng dụng

Chương 1. Các khái niệm cơ sở & hệ mã cổ điển

Chương 2. Mật mã khối & mật mã khóa đối xứng

Chương 3. Hệ thống mật mã khóa công khai

Chương 4. Chữ ký điện tử và hàm băm

Chương 5. Quản lý khóa

Phần II. Kiểm soát hệ thống

Chương 6. Xác thực

Chương 7. Điều khiển truy nhập

Phần III. Khảo sát một số lĩnh vực cụ thể trong thực tế

Chương 8. An toàn trên internet

Chương 9. Mã độc và an toàn phần mềm

Phần IV. Phần đọc thêm

Chương 10. Giao thức mật mã và ứng dụng

Cuốn sách này hiện có ở Thư viện, nó thật sự hữu ích đối với các sinh viên đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ thông tin. Xin trân trọng giới thiệu!