Tác giả: Vũ Thị Thu Hà

NXB: Khoa học và kỹ thuật

Năm XB: 2016

Hiện nay, xấp xỉ 90% hóa phẩm được sản xuất thương mại có sử dụng các chất xúc tác ở một số giai đoạn trong quá trình sản xuất, gồm quá trình thực phẩm, hóa chất tinh vi, hóa chất cơ bản, quá trình năng lượng và môi trường. Doanh thu từ thị trường xúc tác thế giới đạt trên 10 tỷ USD/năm.

Quá trình xúc tác công nghiệp thường được phân thành hai loại, đồng thể và dị thể. Quá trình xúc tác dị thể là quá trình ở đó chất xúc tác và các chất phản ứng thuộc hai pha khác nhau, trong khi quá trình đồng thể lại là quá trình ở đó cả hai nằm trong một pha. Chất xúc tác đồng thể thường thể hiện hoạt tính xúc tác rất cao, tuy nhiên rất khó tách nó ra khỏi hỗn hợp phản ứng.

Phát minh về graphen đã được trao giải Nobel vật lý 2010. Chỉ sáu năm kể từ khi xuất hiện, vật liệu siêu mỏng, bền, dẫn điện cao này đã cho thấy những ứng dụng to lớn của nó đối với đời sống con người. Đến nay, graphen và các vật liệu trên cơ sở graphen đang là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học trong các ngành hóa học, vật lý và y học.

Theo kết quả nghiên cứu đã được công bố, các xúc tác kim loại quý, trong đó có Pt, mang trên chất mang graphen (Pt/G) thể hiện vai trò ưu việt hơn hẳn so với xúc tác Pt khối truyền thống hoặc xúc tác Pt mang trên các chất mang như muội than, ống nano carbon. Trên cơ sở này, các hướng nghiên cứu đang được quan tâm là tìm kiếm các phương pháp mới tổng hợp graphen, chức hóa graphen, phân tán Pt ở cấp độ nano lên graphen, biến tính xúc tác Pt/G nhằm cải thiện tính chất và độ bền hoạt tính của các xúc tác điện hóa ứng dụng trong pin DMFC.

Chương 1: giới thiệu về chất mang xúc tác dị thể nói chung, về graphen và ứng dụng của graphen làm chất mang xúc tác nói riêng, đồng thời trình bày những kết quả của tác giả và cộng sự nghiên cứu tổng hợp, đặc trưng tính chất của chất mang graphen.

Chương 2: giới thiệu về các chất xúc tác dị thể mang trên chất mang graphen, đặc biệt là xúc tác Pt mang trên graphen và các kết quả nghiên cứu của tác giả và cộng sự về tổng hợp, đặc trưng tính chất và đánh giá hoạt tính các chất xúc tác Pt mang trên graphen trong phản ứng oxy hóa điện hóa methanol.

Chương 3: giới thiệu về chất xúc tác trên cơ sở Pt biến tính mang trên graphen và các kết quả nghiên cứu của tác giả và cộng sự về tổng hợp, đặc trưng tính chất và đánh giá hoạt tính của các xúc tác Pt biến tính mang trên graphen trong phản ứng oxy hóa điện hóa methanol.

Chương 4: giới thiệu về pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol (DMFC) và các kết quả nghiên cứu của tác giả và cộng sự về ứng dụng xúc tác Pt biến tính mang trên graphen làm điện cực anot trong chế tạo mô hình pin DMFC. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu mới và triển vọng của tác giả và cộng sự về ứng dụng xúc tác trên cơ sở chất mang graphen trong pin nhiên liệu DEFC, quá trình phân tích vết kim loại và quá trình quang điện hóa học phân rã nước cũng được giới thiệu trong chương này.

Cuốn sách có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh, những người làm công tác khoa học, các nhà công nghệ, doanh nhân, các nhà quản lý quan tâm đến những vấn đề khoa học hiện đại để giải quyết các thách thức của thế kỷ về nguồn năng lượng mới, môi trường và biến đổi khí hậu.

Xin trân trọng giới thiệu!